Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao trẻ tự kỷ có sở thích cảm giác khác thường sau đây:
- Đi lang thang không mục đích, chạy tới chạy lui, chạy như ai đuổi khi vào siêu thị, công viên, nhảy trên nệm, sàn nhún, quay tròn, đong đưa, lên xuống cầu thang, thang máy, thang cuốn, leo trèo; thích ngồi trên xe ô tô, thích chơi các trò chơi cảm giác mạnh như tung lên cao, đưa lên đưa xuống, xích đu, cầu tuột, đu quay, leo núi, trồng chuối, chúi đầu… Hai chân và hai tay không kiểm soát khi ngồi yên. Ngược lại, có những trẻ chỉ ngồi hoặc nằm trên sàn nhà, không muốn đi một mình, chỉ đi men tường hoặc dắt đi hoặc tự lết, đi nhón gót…
- Sờ chạm cầm đồ vật, quăng, ném, đập, gõ, chà…vò tóc, xé giấy, cầm kéo cắt, nhồi bột/ đất sét, thích ôm chặt, mặc quần áo bó sát, chui vào trong các góc chật hẹp, chơi trò chơi quấn mền; thích vỗ tay, ít biết đau khi bị té ngã hoặc va chạm đồ vật; bốc đồ cho vào miệng, nghiến răng, gõ răng, massage, thích sờ cát, chơi dưới nước…Ngược lại, có những trẻ né tránh không mặc quần áo chật hoặc các chất liệu cứng, không thích ai sờ hoặc ôm trẻ, sợ các vật nhớt dính, sợ cắt móng tay, cắt tóc, gội đầu ...
- Nhìn các vật có ánh sáng lấp lánh như đèn trang trí nhấp nháy, kim tuyến hoặc các vật có chuyển động nhanh và quay tròn như quạt trần, quay bánh xe, các hình ảnh động trong TV, IPAD, smartphone…, đóng mở cửa, bật tắt công tắc điện (đèn, quạt), lật các trang sách liên tục, vẫy/ búng tay trước mặt, xếp hàng đồ chơi/ đồ vật theo hàng dài hoặc chồng lên cao. Hay nghiêng đầu để nhìn đồ vật hay người khác. Ngược lại, có những trẻ sợ ánh sáng, tránh giao tiếp mắt…
- Tạo âm thanh đưa lên tai để nghe, vd: đưa các tờ giấy vò vò tạo ra tiếng sột soạt, lắng nghe các âm thanh phát ra từ các con vật có gắn kènt, thích âm nhạc. Không phản ứng khi được gọi tên, thờ ơ với tiếng nói của người khác.Ngược lại, có thể sợ tiếng máy xay sinh tố, tiếng khoa tường, âm thanh lớn, chuông chùa/nhà thờ, còi xe cấp cứu…
- Ăn xà bông, gạo, vữa trát tường, các loại thức ăn chiên giòn, cứng, thức ăn có vị đậm đà, lạnh, cay, ngọt… hoặc không thích thức ăn nhão, mềm.
- Ngửi các đồ vật, đồ chơi, thức ăn, tóc của người khác…
Đó là các dấu hiệu của trẻ bị RỐI LOẠN XỬ LÝ CÁC CẢM GIÁC (Sensory Processing Disoders- SPD) do tổn thương/ khiếm khuyết các vùng cảm giác ở não bộ mà chưa tìm ra nguyên nhân qua các bằng chứng cận lâm sàng. Hầu hết các trẻ tự kỷ đều có rối loạn xử lý cảm giác từ mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
* Vậy, rối loạn xử lý cảm giác (SPD) là gì?
Là các rối loạn phức tạp của não bộ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và người lớn. Là cách hệ thần kinh nhận thông tin từ môi trường hay từ một cá thể có các giác quan bị xáo trộn. Các thông tin cảm giác thu nhận không được não bộ phát hiện, tổ chức, sắp xếp và đáp ứng phù hợp, thể hiện bằng các kiểu vận động và hành vi mà chúng ta quan sát được như đã kể trên.
Trẻ có thể chỉ có rối loạn xử lý cảm giác (SPD) đơn thuần hoặc kèm theo các rối loạn khác như ADHD, tự kỷ, rối loạn lo âu ...Tỉ lệ trẻ có rối loạn xử lý cảm giác (SPD) cao ở các trẻ mắc ADHD và tự kỷ.
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều dấu hiệu khác biệt về sinh lý của trẻ rối loạn xử lý cảm giác (SPD) và trẻ phát triển bình thường; hoặc trẻ rối loạn xử lý cảm giác (SPD) và trẻ ADHD.
* Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn xử lý cảm giác (SPD)?
Chưa rõ nguyên nhân.
Di truyền có thể là một nguyên nhân.
* Có mấy loại rối loạn xử lý cảm giác (SPD)?
+ Rối loạn điều chỉnh cảm giác (SMD)
- Khó khăn khi chuyển thông tin cảm giác thành các hành vi có kiểm soát phù hợp với tự nhiên và cường độ của thông tin cảm giác.
+ Rối loạn vận động cảm giác (SDMD)
- Khó khăn về thăng bằng, vận động hoặc lập kế hoạch chuỗi vận động để đáp ứng các nhu cầu cảm giác.
+ Rối loạn phân biệt cảm giác (SDD)
- Khó khăn về phân biệt các loại cảm giác giống hay khác nhau.
* Các đặc điểm thường gặp của rối loạn xử lý cảm giác (SPD) là gì?
- Khó khăn kiểm soát cảm xúc và hành vi. Dễ bùng nổ, thất vọng hoặc khó nhường nhịn người khác.
- Dễ mất tập trung chú ý, hay xao nhãng. Trí nhớ kém.
- Khó làm theo các hướng dẫn ở nhà và ở trường.
- Khó khăn khi lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện kế hoạch.
- Thích chơi một mình, khó khăn khi kết bạn, tham gia chơi cùng bạn và duy trì cuộc chơi. Cách chơi ở mức độ thấp.
- Chậm về giao tiếp và ngôn ngữ, khó tham gia giao tiếp hai chiều.
- Khó khăn khi dùng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng, suy nghĩ, và cảm xúc.
- Rất khó khăn trong các hoạt động tự chăm sóc bản thân (tự ăn, tự vệ sinh cá nhân, thay quần áo, mang giày…)
- Khó chấp nhận sự thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày hoặc chuyển tiếp giữa hai nhiệm vụ.
- Khó khăn vận động tinh và thô: kỹ năng vận động kém, vụng về, khó phối hợp tay mắt; thăng bằng kém, kỹ năng viết yếu. Né tránh các vận động với các thiết bị như xích đu cầu tuột. Nhanh mệt, và khó ngồi lâu.
- Khó kiểm soát vận động đúng tầm; cử động quá nhanh quá mạnh. Thích vận động mạnh, cường độ cao. Khi viết chữ đè mạnh tay, chữ đậm, to nhỏ không đều nhau.
- Khó ngủ.
- Ăn uống không đa dạng, kén ăn.
...
* Trẻ rối loạn xử lý cảm giác (SPD) gặp khó khăn gì trong cuộc sống hằng ngày?
Trẻ bị rối loạn xử lý cảm giác (SPD) gặp khó khăn khó khăn khi xử lý các thông tin cảm giác từ môi trường xung quanh hoặc từ chính cơ thể trẻ. Trẻ thu nhận thông tin cảm giác nhiều hơn hay ít hơn so với người khác. Tình trạng đó ảnh hưởng đến khả năng tương tác của trẻ trong các môi trường khác nhau, khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày và học tập của trẻ.
Ở trẻ có hệ thống xử lý cảm giác bình thường, não bộ được xem như người điều khiển giao thông. Các thông tin cảm giác từ tất cả các giác quan được thu nhận và dẫn truyền đến não bộ. Tại đây, các thông tin cảm giác được phân tích, xử lý và gửi các tín hiệu đáp ứng phù hợp đến các bộ phận cần thiết theo trật tự và chính xác, và các bộ phận thực hiện các tín hiệu nhận từ não bộ.
Ví dụ: khi chơi ném bóng, mắt trẻ nhìn thấy quả bóng đang bay gần trẻ (thị giác thu nhận thông tin cảm giác), trẻ đoán hướng quả bóng bay đến và vị trí quả bóng sẽ rơi xuống (thông tin cảm giác được truyền đến não bộ và phân tích), trẻ quyết định đưa tay ra chụp quả bóng (thông tin cảm giác được xử lý và gửi tín hiệu đáp ứng phù hợp đến hai tay), sau đó trẻ sẽ thực hiện hành động chụp quả bóng (bộ phận thực hiện các tín hiệu nhận từ não bộ)
Đối với trẻ trẻ rối loạn xử lý cảm giác (SPD), các thông tin cảm giác từ tất cả các giác quan được thu nhận và cũng dẫn truyền đến não bộ. Nhưng các thông tin cảm giác không được phân tích, xử lý và không gửi các tín hiệu đáp ứng phù hợp đến các bộ phận cần thiết theo trật tự và chính xác. Do đó các bộ phận không hoặc thực hiện không phù hợp các tín hiệu nhận từ não bộ.
Ví dụ: khi chơi ném bóng, mắt trẻ có thể nhìn thấy quả bóng đang bay gần trẻ (thị giác thu nhận thông tin cảm giác), nhưng trẻ không đoán hướng quả bóng bay đến và vị trí quả bóng sẽ rơi xuống (thông tin cảm giác được truyền đến não bộ và não gặp khó khăn khi phân tích), trẻ không quyết định sẽ làm gì với quả bóng (thông tin cảm giác không được xử lý và không gửi tín hiệu đáp ứng phù hợp đến hai tay), do đó trẻ không thực hiện hành động chụp quả bóng (bộ phận thực hiện các tín hiệu nhận từ não bộ không đáp ứng)
* Nếu không can thiệp, trẻ rối loạn xử lý cảm giác (SPD) gặp những khó khăn gì?
- Các hoạt động rập khuôn hàng ngày khó phá bỏ.
- Khó khăn thực hiện các kỹ năng tự chăm sóc và phục vụ bản thân.
- Khó kiểm soát cảm xúc và hành vi
- Khó khăn khi giao tiếp xã hội: giao tiếp mắt, giữ khoảng cách và biết luân phiên khi trò chuyện.
- Khó ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ nên ảnh hưởng sự phát triển của trẻ. Mệt mỏi và căng thẳng có thể dẫn đến học tập khó khăn.
- Dễ mất tự tin do các kỹ năng của trẻ không theo kịp các bạn học.
- Bị bắt nạt khi người khác biết các khó khăn của trẻ.
- Khó khăn học tập: chẳng hạn phát triển kỹ năng đọc, viết, sao chép trong lớp học.
- Khó hoàn thành các bài học ở trường và chú ý nghe giảng, mất tập trung chú ý.
- Khó khăn trong đọc- hiểu các tình huống xã hội.
- Khó làm theo hướng dẫn ở trường, ở nhà hoặc các môi trường khác.
- Khó học cả ngày ở trường do sức mạnh và sức bền của cơ kém và quá tải các thông tin cảm giác.
Nếu con đang gặp phải các vấn đề trên, con cần được điều trị để điều hoà cảm giác giúp con giải toả năng lượng - bình tĩnh hơn - tập trung hơn khi tham gia một số bài tập phù hợp.
Nguồn copy