Thỉnh thoảng bạn phải đối mặt với việc dường như con không muốn nghe lời bạn nói hoặc có lúc là hoàn toàn phớt lờ mình? Bạn thấy mình phải thỉnh thoảng nhắc lại một vài việc đến độ mệt mỏi hay thậm chí là bực tức?
Nếu bạn đang phải đau đầu để giải quyết tình trạng “lắng nghe có chọn lọc” của trẻ thì dưới đây là một số lý do vì sao nó lại xảy ra và một số lời khuyên để bạn tham khảo xem mình có thể làm gì để chấm dứt được tình trạng này.
BẠN NÓI QUÁ NHIỀU
Nói tóm gọn và tập trung vào một hoặc hai điểm là cách tốt nhất để bạn có sử dụng khi nói chuyện với trẻ. Nếu bạn nói cho con một loạt những thứ con cần phải nhớ, phải làm thì có thể sẽ khó khăn cho trẻ trong việc theo sát được như đúng mong muốn của bạn. Tương tự, sử dụng những từ ngữ khó hiểu hay quá tập trung vào việc giải thích sẽ làm loãng thông tin chính mà bạn muốn con biết.
CON ĐANG TẬP TRUNG VÀO MỘT THỨ KHÁC
Thường thì trẻ duy trì một mức tập trung cao độ với những gì mình đang làm, chẳng hạn như xem một chương trình trên TV mà mình yêu thích hay đang nhập tâm vào trò chơi xếp hình và khi ấy con sẽ không nghe thấy được những gì bạn nói. Giống như người lớn, trẻ em có thể hoàn toàn bị cuốn hút vào một thứ gì đó mà vì vậy không nghe thấy người lớn nói chứ không phải là con đang thách thức chúng ta.
Mặc dù vậy, bạn có thể nhìn thấy khía cạnh tích cực ở đây là con đang rèn luyện cho mình khả năng tập trung và bạn có thể để con tập trung toàn bộ vào lời nói của mình bằng cách đến gần con, nhìn con và nói chuyện trực tiếp.
BẠN NÓI VỚI CON TRONG KHI MÌNH ĐANG LÀM MỘT VIỆC KHÁC
Chẳng hạn bạn đang bận nấu cơm cho bữa tối và bạn muốn nhắc con làm cho xong bài tập về nhà nên bạn nói thật to từ phòng này qua phòng khác hay thậm chí là khi con đang không ở trong nhà. Nhưng bất cứ khi nào có thể, cố gắng tập cho mình thói quen là dành một ít thời gian để đến chỗ con và nói trực tiếp cho con nghe. Cơ hội con lắng nghe mình nói cũng sẽ tăng lên nếu bạn hoàn toàn chú tâm vào những gì mình đang yêu cầu trẻ.
BẠN MẮNG, CHỈ TRÍCH CON
Liệu bạn có thể thích được không nếu một ai đó suốt ngày mắng, chỉ trích bạn và bạn có muốn tập trung vào những gì người đó đang nói? Nếu bạn thường xuyên phản ứng như vậy thì con cũng sẽ có cách phản ứng tương tự như bạn vậy.
BẠN RA LỆNH CHO CON HOẶC NÀI NỈ CON
“Nhặt đồ chơi lên ngay!!!”hoặc “con ơi, con có thể nhặt đồ chơi lên được không?” đều sẽ mang lại chung một kết quả theo thời gian là con sẽ không nghe lời bạn nói.
LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN KHÔNG NHẤT QUÁN VỚI NHAU
Nếu bạn liên tục yêu cầu con nhặt đồ chơi lên, con không nghe nhưng lại không có giải pháp để con chấm dứt hành động này thì bạn cũng đang gián tiếp dạy cho con rằng mình vẫn có thể tiếp tục lờ nó đi được.
* LÀM SAO ĐỂ CON NGHE LỜI BẠN NÓI?
Có thể bạn đã biết được một vài lý do vì sao con không nghe những gì bạn nói, vậy làm như thế nào để con chú ý, tập trung vào những gì mình nói? Bạn có thể thử một số cách dưới đây để giúp con có được kỹ năng lắng nghe tốt hơn.
Nhìn trực tiếp vào mắt con.
Bạn có thể hạ mình xuống để mình ngang với tầm nhìn của trẻ khi bạn muốn nói chuyện với con. Đây không chỉ là cách hay để chắc chắn rằng con hoàn toàn tập trung vào những gì mình nói mà cũng tạo cho con một hành vi tốt khi thật sự lắng nghe lời người khác nói khi có người nói chuyện với mình.
Lắng nghe con nói.
Con sẽ học cách lắng nghe lời người khác nói từ chính bản thân bạn. Chẳng hạn nếu bạn tập trung lắng nghe khi con nói chuyện với bạn thì con cũng sẽ làm tương tự như vậy khi bạn nói với con.
Cố gắng tìm hiểu vì sao con không lắng nghe lời bạn nói.
Hãy nghĩ về việc điều gì khiến trẻ không chú tâm vào câu nói của bạn. Bạn có đang yêu cầu con phải tự làm cái gì quá khó với khả năng của con? Con có đang bị mệt hay tức giận?...
Giữ bình tĩnh
Có 2 lý do để bạn cần duy trì cho mình sự bình tĩnh là: 1. Khi bạn tức giận, bạn đang cho con thấy rằng bạn đang mất bình tĩnh. 2 là khi bạn la mắng con, lúc đầu con sẽ nhanh chóng nghe lời bạn nhưng về lâu dài nó sẽ mất hiệu quả.
Giải thích cho con hiểu rằng nó là hành động thiếu tôn trọng người khác.
Nói cho trẻ biết rằng không nghe hay phớt lờ lời nói của người khác khi họ đang nói chuyện với mình thì không phải là một cách hay để ứng xử với người khác.
Thêm vào câu nói của mình một chút thú vị.
Ví dụ,nếu bạn cảm thấy bực bội vì con không thể đi học đúng giờ, bạn có thể sử dụng đồng hồ đếm giờ và tổ chức cuộc thi xem ai là người chiến thắng khi ra khỏi cửa trước. Vận dụng trí tưởng tượng của mình để khuyến khích con hợp tác thay vì đơn thuần chỉ đưa ra yêu cầu.
Để con thử trải nghiệm cảm giác bị phớt lờ.
Đảm bảo là con biết trước được rằng bạn sẽ thực hành bài tập này để bé biết rằng bạn không phớt lờ con mãi. Đặt thời gian khoảng 30 phút (nhiều hay ít tùy thuộc vào độ tuổi của con và cách bé phản ứng) và nói với con rằng trong khoảng thời gian ấy bạn sẽ không đáp lại lời của con. Sẽ không mất nhiều thời gian để con hiểu được rằng cảm giác là như thế nào khi có người bạn muốn nói chuyện lại phớt lờ bạn.
Xây dựng cho trẻ một thói quen giao tiếp tốt là cả một quá trình và cần nhiều thời gian để có được. Thay vì mong đợi con luôn phải vâng lời ngay từ lần đầu tiên bạn nói, hãy nhìn nhận nó như là một quá trình phát triển để con và bạn có thể tiếp tục luyện tập và tạo dựng được cho mình một mối quan hệ bền vững. Do vậy, đừng mong đợi mọi thứ sẽ có được trong chốc lát, bạn nhé!
Mầm Nhỏ