Những đứa trẻ chậm nói hay chậm phát triển về nói/ngôn ngữ bao giờ cũng là mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của phụ huynh và giáo viên, mặc dù chậm nói không có nghĩa những đứa trẻ ấy đích thực là tự kỷ, suốt đời sẽ không có khả năng giao tiếp xã hội bằng lời.
#Sự khác biệt về vấn đề chậm nói của trẻ bị tự kỷ và trẻ không bị tự kỷ
Đối với những trẻ có sự phát triển bình thường, ngay từ lúc chập chửng, chưa thể bỏ tã và dùng lời, các em đã biết giao tiếp bằng mắt, biết ấp a, ấp úng, dùng tay kéo áo, chỉ trỏ cho phụ huynh và người lớn hiểu được những gì mình cần. Thông thường, các nhà chuyên môn về tâm lý/giáo dục cho rằng một đứa trẻ chậm nói, nhưng không bị tự kỷ, luôn có những biểu hiện như sau:
• Biết mỉm cười, thích phụ huynh hay những người chăm sóc mình nâng niu, ôm ấp.
• Biết bắt chước hành động của người khác một cách tự nhiên.
• Dành nhiều thời gian quan sát mọi người hơn là những vật thể quanh mình.
• Dễ buồn chán, cảm thấy lẻ loi khi không có ai kề cạnh.
#Ngược lại, một đứa trẻ chậm nói, bị tự kỷ, cho dù bị tự kỷ thuộc dạng cao hay dạng nhẹ, đều có những biểu hiện chung về những khó khăn trong giao tiếp có chủ đích, bằng lời hoặc không bằng lời. Chẳng hạn –
• Trẻ tự kỷ có sở thích cá biệt, dễ bị lôi cuốn bởi những vật thể trước mắt, không hứng thú, quan tâm đến sự giao tiếp với mọi người.
• Trẻ tự kỷ hiếm khi biết bắt chước hành động của phụ huynh, giáo viên, hay các bạn cùng trường.
• Thích được đắm chìm vào thế giới riêng tư, được chơi một mình với những gì mình ưa chuộng.
* Trẻ tự kỷ thường có những sự lặp đi, lặp lại lời nói của người khác, rập khuôn về hành vi, đi đứng vụng về.
Bé Cường và bé Dũng – Hai ví dụ điển hình trẻ nào chậm nói, bị tự kỷ hay không bị tự kỷ?
#Sự khác biệt giữa bé Cường và bé Dũng rất dễ phát hiện em nào là tự kỷ, cho dù 2 em đều bị chậm nói.
• Bé Dũng hai tuổi đầu vẫn chưa biết nói, nhưng biết bập bẹ và dùng ngôn ngữ của cơ thể (body language) để giao tiếp với phụ huynh và giáo viên. Bé Dũng biết chỉ trỏ, kéo tay người khác đến những vật thể mình cần. Bé Dũng thích chơi chung với anh chị em trong gia đình, thích hòa nhập vào các trò chơi tập thể với các bạn ở nhà trẻ. Bé Dũng hay khóc khi ngủ trưa một mình hoặc không được cô giáo cho nằm gần các bạn cùng lớp.
• Bé Cường trạc tuổi bé Dũng. Bé Cường chỉ biết nói 5, 7 từ đơn giản, nhưng không dùng từ yêu cầu hoặc bày tỏ ý muốn. Bé hay nhại lời, thầm thì một mình, không giao tiếp bằng mắt. Phụ huynh em không thể tạo sự chú ý cho con mình, dù chỉ trong vài giây ngắn ngủi.
#Cả hai bé Cường và Dũng đều bị chậm nói và cả hai em cũng có thể có vấn đề về nghe (hearing loss), rối loạn lời nói có chủ ý (Apraxia of Speech), tăng động thiếu chú ý, khuyết tật về học tập, trí tuệ, v.v… Tuy nhiên, khác với bé Dũng, những biểu hiện chậm nói của bé Cường chính là những dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), nếu các nhà chuyên môn chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn qui định trong cẩm nang DSM-5 (2013).
#Ngoài vấn đề chậm nói, những khó khăn trong giao tiếp xã hội cũng là những chỉ dấu cho thấy một đứa trẻ có nguy cơ mắc chứng tự kỷ. Ví dụ: Trẻ tự kỷ -
• Không thể trả lời hoặc lúng túng trả lời khi ai đó gọi hỏi tên.
• Không thể hoặc gặp trở ngại khi dùng cử chỉ thân thể, điệu bộ, không dùng tay chỉ trỏ, không biết đem vật thể, đồ chơi đến khoe với phụ huynh hay các bạn.
• Biết hóng chuyện, bập bẹ ở tuổi chập chửng nhưng về sau thì ngừng lại.
• Ngôn ngữ phát triển quá chậm so với độ tuổi. Chỉ dùng từ đơn, hay lặp lại câu hỏi của người khác và không thể kết từ thành những câu nói ngắn, có chủ đích trong đối thoại.
• Nhại lời từ những gì nghe được qua TV, phim ảnh hoạt họa.
• Dùng những từ ngữ đặc biệt, chỉ có phụ huynh hay giáo viên mới hiểu được ý nghĩa.
#Các nhà chuyên môn thường khuyên nhủ phụ huynh rằng, mặc dù một đứa trẻ bị chậm nói chưa hẳn là tự kỷ, nhưng cách tốt nhất chính là phụ huynh nên đưa con mình đi gặp các bác sỹ về hành vi, các chuyên viên tâm lý, nói/ngôn ngữ để có sự chẩn đoán sớm nhằm giúp các em được sự hỗ trợ tích cực từ những chương trình can thiệp sớm, trước khi đến tuổi vào trường ...
Nguồn: Danan---kỷ